Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. (ảnh VGP) Đến dự và chủ trì tại điểm cầu Hà Nội, có đồng chí Trương Hòa Bình - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ; đồng chí Trần Thanh Mẫn - Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh Tham dự tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh có đồng chí Phạm Văn Tân - Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo CCHC tỉnh, đồng chí Đặng Minh Lũy - Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh, lãnh đạo sở, ban, ngành tỉnh, lãnh đạo Bưu điện tỉnh. Hội nghị còn được trực tuyến đến các điểm cầu cấp huyện với sự tham dự của lãnh đạo và các ban ngành cấp huyện, cấp xã. Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX 2019) nhằm theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện cải cách hành chính tại các bộ, ngành và các tỉnh, thành hàng năm. Chỉ số này được áp dụng từ năm 2012, đã qua một số lần sửa đổi, bổ sung, hoàn chỉnh cả về phương pháp và tiêu chí. Chỉ số CCHC năm 2019 bao gồm chỉ số CCHC cấp bộ (7 lĩnh vực, 40 tiêu chí, 87 tiêu chí thành phần) và chỉ số CCHC cấp tỉnh (gồm 8 lĩnh vực, 43 tiêu chí, 95 tiêu chí thành phần). Đứng đầu PAR INDEX 2019 cấp bộ là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với 95,40%, kế đến là Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp. Về kết quả PAR INDEX cấp tỉnh năm 2019, cao nhất là Quảng Ninh với 90,09%, kế đến là Hà Nội, Đồng tháp lần lượt xếp thứ 2, thứ 3. Tây Ninh xếp thứ 44 với 80,05%. Như vậy, theo bảng tổng hợp, nhóm A (đạt kết quả Chỉ số từ 90% trở lên) chỉ có duy nhất tỉnh Quảng Ninh. Nhóm B (đạt kết quả Chỉ số từ 80% - dưới 90%) có 43 tỉnh, thành phố. Tây Ninh nằm trong nhóm này. Nhóm C, (đạt kết quả Chỉ số từ 70% - dưới 80%) có 19 tỉnh, thành phố.Chỉ số CCHC 2019 của các tỉnh, thành phố có kết quả đạt giá trị trung bình là 81,15%, cao hơn 4.23% so với giá trị trung bình năm 2018 (đạt 76.92%) và là kết quả cao nhất trong 4 năm gần đây. So sánh giữa 63 địa phương, có 30 đơn vị đạt kết quả Chỉ số cao hơn giá trị trung bình của cả nước. Đáng chú ý, năm 2019 có 44 đơn vị đạt kết quả Chỉ số trên 80%, năm 2018 chỉ có 9 đơn vị đạt kết quả trong nhóm này. Điểm tích cực khác đó là, trong năm 2019 không có địa phương nào đạt kết quả dưới 70%, trong khi năm 2018 có tới 3 đơn vị thuộc nhóm này. Về Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS 2019) được thực hiện tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tại 16 lĩnh vực dịch vụ công, nhận định, mức độ hài lòng, sự mong đợi của người dân, tổ chức thông qua 5 yếu tố cơ bản, gồm: Tiếp cận dịch vụ; Thủ tục hành chính; Công chức; Kết quả dịch vụ; Việc tiếp nhận, giải quyết ý kiến góp ý, phản ánh, kiến nghị. Qua đó, có 35.268 người dân tổ chức cả nước đã trả lời phiếu (đạt 96,28%). Kết quả, sự hài lòng về sự phục vụ nói chung năm 2019 đạt 84,45% (tăng 1,46% so với năm 2018, tăng gần 2,3% so với năm 2017). Các chỉ số về tiếp cận dịch vụ tăng nhiều nhất. Năm 2019, có 6 tỉnh có Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính ở mức tốt, 27 tỉnh khá, 20 tỉnh trung bình, 10 tỉnh chưa đạt yêu cầu. So với năm 2018, có 41/63 tỉnh có chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính tăng, 22/63 tỉnh giảm. Đáng chú ý, người dân tổ chức cho rằng năm 2019, kênh thông tin tiếp cận cơ quan tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả dịch vụ công đã tăng so với những năm trước; tỷ lệ công chức gây phiền hà, sách nhiễu; công chức gợi ý nộp thêm tiền ngoài phí, lệ phí đã được kéo giảm đáng kể. Trong 63 tỉnh, thành, tỉnh Quảng Ninh đứng đầu về chỉ số SIPAS 2019, với tỷ lệ 96,26%, kế đến là Hải Phòng, Cà Mau. Tây Ninh xếp thứ 40, với 83,45%. Như vậy trong 3 năm liên tục, Tây Ninh đều tăng tỷ lệ chỉ số SIPAS, đây là điều đáng phấn khởi. Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho rằng, quá trình triển khai thực hiện chỉ số SIPAS 2019 đã nhận được sự đồng tình ủng hộ và hưởng ứng tích cực từ người dân, thúc đẩy hiệu quả cải cách hành chính. Đồng thời, Mặt trận tổ quốc còn tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động, trong 12 chương tình giám sát kiểm tra, có nội dung giám sát về cải cách thủ tục hành chính. Tuy đạt nhiều kết quả về chỉ số này nhưng vẫn còn nhiều vấn đề bất cập, là dịp để các bộ, ngành Trung ương, các địa phương nhìn nhận lại quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình, đề ra các giải pháp thực hiện tốt hơn trong thời gian tới. Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo hội nghị. (ảnh VGP) Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu kết luận hội nghị, nhấn mạnh: Qua chỉ số CCHC, Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2019; báo cáo chương trình phối hợp giữa các cơ quan, nghe ý kiến tham luận của các bộ, ngành, địa phương, cho thấy sự nỗ lực, quyết tâm CCHC của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong năm 2019, đã được đánh giá một cách khách quan, chi tiết với nhiều góc độ khác nhau. “Kết quả được ghi nhận giúp chúng ta có thêm động lực để tiếp tục công cuộc CCHC với nhiều nhiều nhiệm vụ khó khăn, phức tạp đang ở phía trước. Những hạn chế yếu kém của các chỉ số cũng giúp chúng ta nhìn nhận lại công tác để đề ra nhiệm vụ, giải pháp cần thiết giúp triển khai có hiệu quả công tác cải cách hành chính trong giai đoạn tới” - Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ nói. Thay mặt lãnh đạo Chính phủ, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình biểu dương sự cố gắng, nỗ lực của các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố và đặc biệt là Bộ Nội vụ trong triển khai thực hiện hai chỉ số này; ghi nhận và biểu dương các cơ quan đơn vị có liên quan trong việc phối hợp triển khai thực hiện nhiệm vụ. Theo Phó Thủ tướng thường trực, theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, vị trí của Việt Nam được cải thiện một cách đáng kể trên một số bảng xếp hạng uy tín như, xếp hạng về môi trường kinh doanh toàn cầu năm 2019, Việt Nam tăng 1,2 điểm so với năm 2018, tăng 12 bậc so năm 2017, xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu PCI 4.0 tăng 10 bậc, xếp hạng thứ 7 trong ASEAN. Việt Nam được xếp thứ 8/80 quốc gia, top 10 quốc gia có nền kinh tế tốt nhất về đầu tư. Những kết quả này đã góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2019, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia, thu hút đầu tư trong những năm tiếp theo. Để thực hiện tốt nhiệm vụ cải cách hành chính trong thời gian tới, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ đề nghị, căn cứ vào kết quả của hai chỉ số này, người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp từ Trung ương đến địa phương phải chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo khắc phục những tồn tại, hạn chế, phát huy những mặt đạt được, đổi mới tư duy, nhận thức, tạo chuyển biến trong quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, khơi thông nguồn lực, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành và thực thi pháp luật. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ, thể chế pháp luật để phát triển đầy đủ, đồng bộ, hiệu quả thị trường các yếu tố sản xuất. Đẩy mạnh việc rà soát, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy và kiện toàn chức năng nhiệm vụ của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công theo quy định Nghị quyết số 18 và Nghị quyết số 19 của Trung ương. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện nhanh, quyết liệt, thực chất hơn, việc cắt giảm đơn giản hóa các thủ tục hành chính; đơn giản hóa phí dùng dịch vụ các thủ tục hành chính thiết yếu cho người dân, doanh nghiệp cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, góp phần hỗ trợ người dân doanh nghiệp khắc phục hậu quả của đại dịch, khơi thông nguồn lực kinh tế, tiếp tục hoàn thiện hệ thống thông tin một cửa điện tử. Đến tháng 6/2020, hoàn thành việc gửi, nhận văn bản điện tử tại 4 cấp thẩm quyền…
Quỳnh Như
Ý kiến bạn đọc