(Hình minh họa)
NHẬN DIỆN NHỮNG BIỂU HIỆN MỚI CỦA CĂN BỆNH GIÁO ĐIỀU
Giáo điều là những nguyên lý, những quan điểm, nguyên tắc mà con người tiếp thu mù quáng, không cần chứng minh, không có phê phán, không chú ý điều kiện ứng dụng nó. Giáo điều cũng để chỉ tư tưởng và hành động tuyệt đối hóa lý luận, coi thường, hạ thấp thực tiễn, hoặc áp dụng lý luận mà không tính tới thực tiễn. Có thể phân thành hai dạng: Giáo điều lý luận: Vận dụng lý luận không căn cứ vào điều kiện thực tiễn cụ thể, vận dụng mà không hiểu bản chất của lý luận. Giáo điều kinh nghiệm: Vận dụng kinh nghiệm của ngành khác, người khác, địa phương khác, nước khác vào thực tiễn một cách máy móc, không tính tới điều kiện thực tiễn cụ thể. Bệnh giáo điều có thể hiểu là tình trạng nhận thức, hành động giáo điều cả về lý luận và thực tiễn kéo dài trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, cần phải nhận biết và có cách khắc phục. Bệnh giáo điều mới trong một bộ phận cán bộ, đảng viên có nhiều biểu hiện, song tựu trung lại có thể khái quát trên một số vấn đề sau đây:
Giáo điều hóa nghị quyết: Ở mỗi giai đoạn tính chất nhiệm vụ khác nhau, vì vậy, nghị quyết phải có những chủ trương, giải pháp thực hiện khác nhau. Tuy nhiên hiện nay, trong sinh hoạt lãnh đạo, nhất là sinh hoạt ra nghị quyết, một số cấp ủy, bí thư còn tình trạng nhận thức cho rằng nhiệm vụ cơ quan, đơn vị là “xuân thu nhị kỳ”, quanh năm ngày tháng lặp đi lặp lại không có gì mới. Nên ở không ít tổ chức đảng, nhất là cấp cơ sở, nghị quyết lãnh đạo được xây dựng theo kiểu khuôn mẫu, sao chép nguyên như trước, chỉ thay ngày đổi tháng. Hiện nay, trong một số tổ chức đảng, nhất là cấp chi bộ, việc chuẩn bị dự thảo và ban hành nghị quyết mang tính hình thức, thậm chí để đối phó với việc kiểm tra, giám sát của tổ chức đảng cấp trên. Điều đó dẫn tới tình trạng nghị quyết tháng sau, quý sau, năm sau cũng như trước, cùng lắm chỉ bổ sung một vài nội dung gọi là cho khác trước. Biểu hiện mới này không chỉ là giáo điều lý luận, thực tiễn mà còn thể hiện sự thiếu trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, đảng viên.
Ngoại hóa chủ trương: Thời gian qua, trong đội ngũ cán bộ, đảng viên ở nhiều bộ, ngành, địa phương có tình trạng tổ chức nhiều cuộc đi khảo sát, tham quan học tập kinh nghiệm nước ngoài. Mục đích của chuyến đi rõ ràng được định vị là mang những kiến thức, kinh nghiệm tổ chức quản lý, phát triển kinh tế - xã hội từ các nước, nhất là nước tiên tiến về để ứng dụng vào Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều cán bộ có chức vụ, tầm ảnh hưởng lớn đi học tập ở nước ngoài về bê nguyên các mô hình từ nước ngoài đặt vào Việt Nam, cho rằng đó là học hỏi, sáng tạo, tiếp thu cái mới. Việc áp dụng mang tính áp đặt này chưa nghĩ đến điều kiện kinh tế - xã hội, điều kiện kết cấu hạ tầng của ta chưa phù hợp, chưa thể hấp thụ được nguyên vẹn kinh nghiệm đó. Hậu quả là gây thất thoát, lãng phí lớn cho các nguồn lực xã hội. Dự án đường dành riêng cho xe buýt nhanh BRT ở Thủ đô Hà Nội là một ví dụ điển hình cho bệnh giáo điều mới, học tập kinh nghiệm nước tiên tiến, bê nguyên xi vào Việt Nam. Do không phù hợp với điều kiện hạ tầng giao thông Việt Nam nên dự án trên có nguy cơ cao phải dừng hoạt động, tốn kém rất nhiều nguồn lực đầu tư.
Sợ sai nên rập khuôn công thức, quy trình cũ trong công việc mới, bất chấp hiệu quả thấp: Tình trạng sợ sai, không dám nghĩ, không dám làm, không dám chịu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên dẫn tới tình trạng cứ làm như người trước, tháng trước, năm trước, quy trình trước, nhiệm kỳ trước mà không dám đột phá nhằm bảo đảm an toàn cho bản thân. Những cán bộ, đảng viên dạng này chỉ lo giữ mình an toàn trong “chiếc kén nhỏ”, không chịu đổi mới, học hỏi, chỉ gói gọn trong tư duy nhiệm kỳ, tránh va chạm để cuối cùng là "hạ cánh an toàn". Do vậy dẫn tới trong lãnh đạo, chỉ đạo có tình trạng lặp lại “công thức”; “quy trình cũ” trong công việc mới. Từ chỗ "mũ ni che tai", không dám nói ra những điều mình suy nghĩ, trăn trở, dần dần trở nên dửng dưng với những biến động của xã hội, dửng dưng với nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và chức trách, nhiệm vụ của bản thân.
Thái độ ba phải: Biểu hiện của nó là không thể hiện chính kiến của mình trong sinh hoạt cấp ủy, tổ chức đảng. Căn bệnh này tồn tại hai dạng: Dạng thứ nhất, người cán bộ, đảng viên thực chất là có ý tưởng nhưng do ngại va chạm, ngại thể hiện nên mọi thứ đều đồng ý, dẫn đến “mười lăm cũng ừ, mười tư cũng gật”, “nhất trí cao”. Đây là biểu hiện xuôi chiều trong lãnh đạo. Hệ lụy của nó là người đảng viên co ro trong "cái kén" của chính mình, nhìn thấy nhiều vấn đề, có ý tưởng đổi mới, có sáng kiến nhưng không dám trình bày, không dám thể hiện. Dạng thứ hai là người lười tư duy, lười suy nghĩ, coi việc lãnh đạo là của cấp ủy, của tập thể tổ chức đảng nên không chủ động trong việc tham gia đóng góp thảo luận xây dựng nghị quyết và những quyết sách khác. Cả hai dạng đều cho một đáp số là không huy động được trí tuệ, trách nhiệm tập thể vào các quyết sách lãnh đạo.
NHỮNG HẬU QUẢ KHÔNG LƯỜNG
Hậu quả lớn nhất chính là nếu căn bệnh này kéo dài sẽ là lực cản gây ra sự trì trệ, kéo lùi sự phát triển. Bởi nghị quyết lãnh đạo không thực sự là sự cụ thể hóa nghị quyết cấp trên, càng không phải là nghị quyết lãnh đạo trong giai đoạn mới, mà chỉ là nghị quyết được bê nguyên xi như trước. Một nghị quyết như vậy là vô hiệu, không thể có chủ trương, giải pháp mang tính sáng tạo, đột phá và hoàn toàn thiếu sức sống, xa rời thực tiễn, không sát với yêu cầu nhiệm vụ. Chính vì vậy, hoạt động của cơ quan, đơn vị, địa phương diễn ra một cách đơn điệu, bình bình, không có sự đột phá, dẫn tới sự trì trệ, thụt lùi, tụt hậu do thực tiễn đời sống kinh tế-xã hội luôn có sự biến động, thay đổi.
Bệnh giáo điều mới còn là sự cản trở đưa nghị quyết vào cuộc sống. Bởi ngay trong nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên đã đánh mất chính vai trò lãnh đạo của mình. Vì vậy, trong hoạt động thực tiễn, họ khó nêu cao được trách nhiệm để đưa nghị quyết vào cuộc sống; họ sẽ hành động theo thói quen, được chăng hay chớ. Rõ ràng, một bộ phận cán bộ, đảng viên như vậy, cho dù là ở cấp cơ sở cũng sẽ là lực cản làm giảm năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng. Bởi điều mà Đảng, Nhà nước, nhân dân, cơ quan, tổ chức mong chờ ở họ là sự tâm huyết, cống hiến công sức, trí tuệ, ý tưởng sáng tạo cho sự nghiệp đổi mới, sự nghiệp xây dựng, phát triển cơ quan, đơn vị, địa phương thì không có.
Việc áp dụng máy móc, giáo điều cả về lý luận và thực tiễn mà không chịu tính toán đến điều kiện kinh tế-xã hội sẽ gây lãng phí nguồn lực lớn của đất nước, của cơ quan, đơn vị, địa phương, gây bức xúc trong dư luận nhân dân, làm giảm sút uy tín lãnh đạo của Đảng, mất uy tín của cán bộ, đảng viên. Bên cạnh đó, bệnh giáo điều mới còn là mảnh đất màu mỡ cho chủ nghĩa độc đoán, chuyên quyền, sự chủ quan, duy ý chí có cơ hội phát triển. Điều đó cũng có nghĩa là những cái sai, cái tiêu cực trong công tác lãnh đạo không được đấu tranh loại bỏ, cái sai nối tiếp cái sai. Điều này sẽ dẫn tới hậu quả khôn lường là tập thể mất vai trò lãnh đạo, các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng bị coi nhẹ, không huy động được trí tuệ, trách nhiệm tập thể cho việc đưa ra các quyết sách lãnh đạo, quản lý.
LIỀU THUỐC KHẮC PHỤC CĂN BỆNH GIÁO ĐIỀU MỚI
Trên cơ sở nhận diện rõ những biểu hiện của bệnh giáo điều mới, cần có các giải pháp để mỗi cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng khắc phục hiệu quả những biểu hiện của căn bệnh này. Theo đó cần thực hiện tốt một số giải pháp sau đây:
Một là, tiếp tục nghiên cứu tổng kết thực tiễn, bổ sung, phát triển lý luận Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện mới của cách mạng Việt Nam. Đến nay, điều kiện lịch sử, bối cảnh, thế và lực của đất nước ta đã có sự thay đổi, phát triển hơn nhiều. Chính vì vậy, trên cơ sở lấy Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động, Đảng ta cần đẩy mạnh việc nghiên cứu tổng kết thực tiễn để làm sáng tỏ, bổ sung phát triển lý luận Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh mới. Kết quả tổng kết và những bài học kinh nghiệm sẽ là luận cứ để định hướng hoạch định đường lối, chủ trương lãnh đạo của Đảng sát với yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn. Đồng thời làm cơ sở để tổ chức đảng, đảng viên các cấp nghiên cứu quán triệt, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn hoạt động của bộ, ngành, tỉnh, thành phố, cơ quan, đơn vị mình.
Hai là, hoàn thiện cơ chế thúc đẩy tinh thần "7 dám" trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Việc thúc đẩy tinh thần "7 dám", nhất là tinh thần dám làm, dám chịu trách nhiệm của người cán bộ chủ trì, đứng đầu rất cần có cơ chế để quản lý, định hướng, bảo vệ cán bộ. Cơ chế ấy phải được thể chế hóa thành pháp luật, để vừa thông thoáng, mở ra hành lang đủ rộng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên phát huy cao nhất tinh thần "7 dám", nhưng vẫn đúng pháp luật để cán bộ, đảng viên tránh được những vướng mắc, sai phạm.
Ba là, tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về tính thực tiễn trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Phong cách thực tiễn của Người thể hiện sâu sắc nhất ở chỗ không áp dụng máy móc, giáo điều mà luôn đứng trên mảnh đất hiện thực cách mạng Việt Nam, văn hóa, con người Việt Nam để nghiên cứu, bảo vệ, phát triển, vận dụng Chủ nghĩa Mác - Lênin. Mỗi cán bộ, đảng viên cần nắm chắc, hiểu sâu chức trách nhiệm vụ, đi sâu đi sát thực tiễn, rèn luyện phương pháp tác phong lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, cụ thể, bảo đảm tính khoa học, hiệu quả.
Bốn là, tạo đột phá trong đào tạo bồi dưỡng gắn với rèn luyện thử thách đội ngũ cán bộ các cấp của Đảng. Đây được xác định là khâu đột phá bởi người cán bộ bên cạnh được đào tạo cơ bản về kiến thức, bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, chỉ đạo còn cần được trải qua thử thách, rèn luyện trong thực tiễn. Thực tiễn công tác càng nhiều, càng dày thì càng giúp cho kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ đạo của cán bộ, đảng viên hiệu quả, sát thực tế, tránh được duy ý chí, giáo điều, máy móc.
Năm là, phát huy dân chủ trong phản biện chính sách, nhất là đối với người đứng đầu ở tất cả các cấp. Cần phát huy dân chủ rộng rãi trong phản biện chính sách, dân chủ phải được thực hiện ngay trong nội bộ tổ chức đảng, nội bộ cơ quan, đơn vị. Đối với người đứng đầu địa phương còn phải làm tốt công tác vận hành hệ thống phản biện xã hội để phản hồi thông tin từ thực tiễn thực thi các quyết sách, chính sách của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương các cấp, thông qua đó giúp cấp ủy, bí thư, người đứng đầu có cái nhìn toàn diện về hiệu quả thực thi chính sách, kịp thời phát hiện những bất cập để điều chỉnh.
Bệnh giáo điều mới trong một bộ phận cán bộ, đảng viên là vấn đề cần được nhận diện và có định hướng khắc phục. Trong đó trọng tâm là tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, phong cách thực tiễn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời hoàn thiện cơ chế thúc đẩy tinh thần "7 dám" trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Đó là cách thiết thực để bảo vệ, bổ sung, phát triển Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới, bảo đảm được vai trò, sứ mệnh của Đảng và từng cán bộ, đảng viên trong thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.
Ý kiến bạn đọc