Đồng chí Châu Văn Văn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phiên họp tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh, cùng tham dự có lãnh đạo các sở, ban, ngành; Lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố và một số doanh nghiệp, hợp tác xã tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh
Năm 2024 là năm “Phát triển kinh tế số với 04 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững”; Chiến lược phát triển kinh tế số và xã hội số đặt ra mục tiêu phấn đấu năm 2025 đạt tỷ trọng kinh tế số tối thiểu 20%, đến năm 2030 đạt tối thiểu 30%.
Phát triển nông nghiệp, nông thôn được coi là vấn đề then chốt, ảnh hưởng đến sự thành công của quá trình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh lương thực và công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa của nhiều quốc gia. Đặc biệt với Việt Nam, một nước có nền sản xuất nông nghiệp làm nền tảng. Vì vậy, ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thông đã chủ động triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số vào thực tiễn như trí tuệ nhân tạo, quản trị dữ liệu, tự động hóa, Internet vạn vật (IoT), chuỗi khối (Blockchain),... vào hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, qua đó tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả, đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường mang lại những cơ hội mới cho nghành nông nghiệp Việt Nam. Kết quả, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu hàng đầu các mặt hàng nông sản, lương thực và nằm trong nhóm 5 nước xuất khẩu lớn của thế giới.
Hiện nay, công cuộc số hóa trong lĩnh vực nông nghiệp từ trung ương đến địa phương cũng đang đối mặt với không ít rào cản và thách thức về nhận thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ số; sự kết nối, chia sẻ, liên kết dữ liệu giữa cơ quan quản lý nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân chưa chặt chẽ; hạ tầng công nghệ chưa đồng đều giữa các khu vực. Vì vậy, giải pháp toàn diện nhằm tháo gỡ các vướng mắc, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, ứng dụng số hóa trong lĩnh vực nông nghiệp là việc làm cấp thiết.
Tại Hội nghị, các đại biểu, địa phương và các chuyên gia đã đánh giá thực trạng, các khó khăn, vướng mắc về tình hình số hóa, ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực nông nghiệp, đồng thời cũng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, mô hình thực tiễn và đề xuất các giải pháp phù hợp.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu kết luận hội nghị (Ảnh: baochinhphu.vn)
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ghi nhận những nổ lực và kết quả mà ngành nông nghiệp đã đạt được, về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị ngành tập trung xây dựng hoàn thiện thể chế; xây dựng và phát triển hạ tầng phục vụ số hóa, chuyển đổi số; xây dựng các bộ dữ liệu, chuẩn dữ liệu ngành nông nghiệp, cơ sở dữ liệu ngành nông nghiệp kết nối liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác; rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính nhằm khuyến khích người nông dân và doanh nghiệp thực hiện; triển khai các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ số điển hình tại các địa phương để nhân rộng, khuyến khích phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp góp phần vào sự phát triển ngành nông nghiệp xanh và bền vững.
ML
Ý kiến bạn đọc