Quang cảnh buổi làm việc
Tiếp và làm việc với Đoàn công tác, có Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Võ Đức Trong, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phước, lãnh đạo các đơn vị liên quan, lãnh đạo phòng giáo dục và đạo tạo các huyện, thị xã, thành phố.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phước báo cáo tình hình học sinh trở lại trường
Tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phước cho biết, khi tình hình dịch bệnh ở Tây Ninh được kiểm soát, từ ngày 17/01/2022, tỉnh đã chỉ đạo cơ sở giáo dục chuẩn bị các điều kiện đảm bảo an toàn cho học sinh lớp 9, 12 thí điểm đi học trực tiếp. Sau kỳ nghỉ tết nguyên đán, học sinh ở các cấp học trên địa bàn tỉnh đều đã trở lại trường học trực tiếp theo lộ trình. Hiện tại đã phát hiện có 24 trường hợp F0 trong cơ sở giáo dục. Nhà trường điều tra mối quan hệ tiếp xúc trực tiếp xúc với ca nhiễm và báo cáo y tế địa phương cho học sinh học trực tuyến tại nhà.
Tỷ lệ tiêm vắc xin của giáo viên và cán bộ quản lý, nhân viên trực thuộc phòng giáo dục và đào tạo đến thời điểm hiện tại cơ bản đạt tỷ lệ khá cao với 99,75%. Tỷ lệ tiêm mũi 3 của học sinh THPT đạt 55,6%. Tỷ lệ tiêm mũi 2 của học sinh THCS đạt gần 60%. Công tác tiêm vắc xin vẫn đang được thực hiện trên địa bàn tỉnh.
Các đơn vị, trường học đã thực hiện tốt công tác rà soát cơ sở vật chất, thiết bị hiện có, xây dựng phương án sửa chữa, bổ sung đủ các trang thiết bị phòng, chống dịch theo yêu cầu an toàn trường học trong tình hình mới; thực hiện vệ sinh, khử trùng trường, lớp, đồ dùng học tập theo đúng hướng dẫn của ngành Y tế; thực hiện tốt hướng dẫn của tỉnh về việc thực hiện đảm bảo an toàn dịch Covid-19 tại cơ sở giáo dục. Tỉnh còn đảm bảo tổ chức cho các học sinh không thể tham gia học trực tiếp do học sinh ở vùng đang có dịch, đang bị cách ly, … Công tác giảng dạy của các trường tổ chức và thực hiện đúng theo hướng dẫn của ngành, đáp ứng theo yêu cầu chuyên môn. Hiện nay, số lượng học sinh đến trường đang tăng dần.
Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, đến nay, học sinh đi học chưa đầy đủ; Nhà trường gặp nhiều khó khăn trong việc phân công giảng dạy vừa trực tiếp và trực tuyến. Còn nhiều phụ huynh có tâm lý lo lắng, chưa yên tâm cho con em đến trường…
Dịp này, tỉnh kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chỉ đạo việc tuyển dụng, bố trí, sắp xếp đội ngũ theo hướng ưu tiên biên chế để tuyển dụng giáo viên cho những môn học mới ở các cấp học, đáp ứng kịp thời nguồn tuyển dụng theo lộ trình đổi mới chương trình giáo dục phổ thông năm 2018; Rà soát để sử dụng tối đa nguồn giáo viên hiện có như điều chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu, nghiên cứu phương án một giáo viên dạy ở hai trường trên cùng địa bàn…
Đoàn khảo sát tại trường Mầm non Rạng Đông
Đoàn khảo sát tại một lớp học ở trường tiểu học Thị Trấn
Qua kiểm tra thực tế tại các trường, các thành viên Đoàn công tác đánh giá, các trường đã chuẩn bị những điều kiện tốt nhất đón các em trở lại, nhất là thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Sĩ số đến lớp khá cao, chú trọng đến nội dung chương trình. Các thành viên góp ý, nhà trường cần nâng cao công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức để phụ huynh an tâm cho con em đến trường; đảm bảo trong trường học, an toàn cho học sinh vui chơi; không tạo áp lực học tập cho học sinh, chỉ tập trung vào các môn cốt lõi, nhất là đối với học sinh lớp 1.
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Võ Đức Trong phát biểu tại buổi làm việc
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Võ Đức Trong khẳng định, việc mở cửa đón học sinh trở lại là cần thiết, vấn đề là cách thức tổ chức học tập đảm bảo an toàn trong trường học, nhất là hướng xử lý khi phát hiện ca nhiễm trong trường học, lớp học cần có sự thống nhất, cần có hướng dẫn chung. Thực tế, mỗi địa phương có cách ứng xử về vấn đề này khác nhau.
Với Tây Ninh, đến nay, tỷ lệ học sinh tiểu học đến trường đạt 92%, khối THCS, THPT đạt trên 95%, mẫu giáo 5 tuổi đạt 68%. Số ca nhiễm trong học sinh khi trởlại trường thấp.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc ghi nhận nỗ lực của tỉnh trong việc tổ chức đưa học sinh trở lại học trực tiếp
Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc ghi nhận những nỗ lực của tỉnh trong việc duy trì việc học và đưa học sinh trở lại trường. Tỉnh đã khắc phục khó khăn theo chủ trương tạm dừng đến trường không dừng học, tổ chức dạy trực tuyến bằng nhiều phương pháp để học sinh duy trì việc học. Khi cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, tỉnh sớm đưa học sinh trở lại trường với tỷ lệ học trực tiếp khá cao và đang tăng hàng ngày, đảm bảo chất lượng nội dung kế hoạch năm học.
Thứ trưởng đề nghị tỉnh tiếp tục bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc mở cửa lại trường học an toàn, kế hoạch học tập của năm học. Về khung thời gian năm học, Bộ sẽ linh hoạt, có hướng dẫn thêm….
Để thực hiện tốt việc học trực tiếp ở trường, tỉnh cần tiếp tục rà soát, chuẩn bị lại các điều kiện, cơ sở vật chất đảm bảo cho việc học, lưu ý đến các điểm trường được trưng dụng là điểm cách ly, cần sửa chữa lại đảm bảo an toàn.
Khi mở cửa dạy học trực tiếp, ngành giáo dục quan tâm chỉ đạo chuyên môn, dành thời gian thỏa đáng để ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh, tránh gây áp lực, nhất là đối với học sinh lớp 1. Liên quan vấn đề kiểm tra, đánh giá theo hướng dẫn của Bộ, Thứ trưởng cho rằng, quan trọng là trong thời gian còn lại của năm học cần đảm bảo chất lượng giáo dục, bù đắp kiến thức cho học sinh.
Theo Thứ trưởng, ngành cần khai thác hiệu quả tài nguyên học liệu từ học trực tuyến chuyển sang học trực tiếp nhằm hỗ trợ hiệu quả cho học trực tiếp. Đây cũng chính là công cụ thực hiện chuyển đổi số trong ngành giáo dục nhằm đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cho rằng cần có sự phối hợp giữa ngành y tế với ngành giáo dục để chuẩn bị chu đáo, phân công trách nhiệm rõ ràng để không ảnh hưởng đến việc học, cố gắng duy trì việc mở cửa trường học.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc ghi nhận những đề xuất, kiến nghị của Tây Ninh, qua đợt khảo sát này, Bộ sẽ tổng hợp và có hướng dẫn sát với thực tiễn về cách xử lý khi phát hiện ca nhiễm trong trường học; đồng thời cho ý kiến về vấn đề thiếu hụt giáo viên, biên chế giáo viên để địa phương thuận lợi hơn trong triển khai chương trình phổ thông mới.
Trước khi làm việc với UBND tỉnh, Đoàn công tác đến khảo sát thực tế tại các điểm trường mầm non Rạng Đông, trường tiểu học Thị Trấn, trường THCS Lý Tự Trọng (thị xã Hòa Thành).
Trâm Thư
Ý kiến bạn đọc