Để chủ động phòng, chống lây nhiễm cúm A(H5N1) từ gia cầm sang người, ngày 29/7/2013, UBND tỉnh ban hành Công văn số 1659/UBND-VX về việc tăng cường công tác phòng, chống cúm A(H5N1) trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ngành tỉnh có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã triển khai thực hiện ngay một số nhiệm vụ sau:
Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới, từ đầu năm 2013 đến nay, các quốc gia trong khu vực đã ghi nhận 21 trường hợp mắc, 15 trường hợp tử vong do cúm A(H5N1). Đặc biệt tại Campuchia (quốc gia có đường biên giới với Việt Nam và tỉnh Tây Ninh), đã có 12 trường hợp mắc, 08 trường hợp tử vong. Tại Việt Nam, đã ghi nhận 02 trường hợp mắc tại Đồng Tháp và Long An; trong đó, có 01 trường hợp tử vong tại Đồng Tháp. Nguy cơ dịch bệnh bùng phát rộng trên các đàn gia cầm và lây lan sang người là rất cao.
Để chủ động phòng, chống lây nhiễm cúm A(H5N1) từ gia cầm sang người, ngày 29/7/2013, UBND tỉnh ban hành Công văn số 1659/UBND-VX về việc tăng cường công tác phòng, chống cúm A(H5N1) trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ngành tỉnh có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã triển khai thực hiện ngay một số nhiệm vụ sau:
Tiếp tục thực hiện tốt nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh về việc phòng, chống dịch bệnh năm 2013, các biện pháp tăng cường phòng chống dịch bệnh, phòng chống cúm A (H7N9) và cúm A(H5N1). Thực hiện họp giao ban định kỳ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh các cấp để chủ động chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng, chống dịch cúm A(H5N1) ở người; Kịp thời ngăn ngừa dịch bệnh lây truyền từ gia cầm sang người.
Sở Y tế tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh; tổ chức sẵn sàng việc thu dung, cách ly, điều trị kịp thời, hạn chế tới mức thấp nhất tỷ lệ tử vong do cúm A(H5N1); Thực hiện nghiêm Hướng dẫn chế độ khai báo, thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế; Thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành đôn đốc thực hiện công tác phòng, chống dịch ở các khu vực có ổ dịch cúm trên gia cầm hoặc có hiện tượng gia cầm ốm, chết không rõ nguyên nhân và phối hợp chặt chẽ với ngành thú y trong việc trao đổi thông tin về tình hình dịch và triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường giám sát, điều tra, phát hiện sớm các ổ dịch cúm trên gia cầm, thực hiện xử lý triệt để ổ dịch. Phối hợp chặt chẽ với ngành y tế trong việc trao đổi thông tin về tình hình dịch và triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch để có biện pháp phòng, chống dịch bệnh tích cực, không để lây sang người.
Sở Công Thương: tăng cường kiểm tra, giám sát nhập khẩu gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới; ngăn ngừa nhập lậu gia cầm nhằm ngăn chặn kịp thời gia cầm nhập lậu vào tỉnh.
Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Tây Ninh đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn người dân hiểu và thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Đa dạng hóa các loại hình truyền thông, cung cấp kịp thời các thông tin tới cộng đồng. Nghiêm cấm đưa tin thiếu chính xác, gây hoang mang trong cộng đồng, ảnh hưởng tới sự ổn định, phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Sở Tài chính phối hợp với Sở Y tế tham mưu UBND tỉnh bổ sung kinh phí để thực hiện công tác tuyên truyền và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
UBND các huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, đôn đốc các xã, phường, thị trấn, các cơ quan chuyên môn thực hiện đúng quy định, hướng dẫn về phòng, chống dịch bệnh. Chỉ đạo Trung tâm Y tế, Phòng Y tế huyện, thị xã thực hiện việc kiểm tra, giám sát, phát hiện kịp thời các trường hợp nghi ngờ cúm A (H5N1); tổ chức tốt việc thu dung và điều trị bệnh nhân. Chỉ đạo Trạm Thú y huyện, thị xã phối hợp với các ngành chức năng liên quan thực hiện tốt các biện pháp chuyên môn, ngăn ngừa dịch cúm gia cầm lây lan sang người.
TTTH
Ý kiến bạn đọc