Hiện nay, tình hình sử dụng xung điện, chất độc để khai thác thủy sản trên sông, hồ, kênh rạch, đồng ruộng vẫn còn xảy ra ở các địa phương trong tỉnh; đã và đang gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, hủy diệt nguồn lợi thủy sản, ảnh hưởng đến sản xuất và trật tự an toàn xã hội. Để ngăn chặn và khắc phục tình trạng trên, ngày 14/7/2015, Chủ tịch UBND tỉnh ký ban hành Chỉ thị số 07/CT-UBND yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc, các ngư cụ bị cấm sử dụng trong khai thác thủy sản (ghe cào, ghe nhũi, dớn, sử dụng lưới có kích thước mắt lưới nhỏ). Cấm khai thác thủy sản dưới mọi hình thức vào mùa sinh sản trong hồ Dầu Tiếng tại các bãi cá đẻ tại các khu vực Rừng Cấm, Ao 10 mẫu, Hóc Cò, Vàm Suối Đông,... từ 01/7 đến 30/9 hàng năm.
Thực hiện công tác tái tạo nguồn lợi thủy sản hàng năm, thả bổ sung giống ra các thủy vực ngoài tự nhiên. Tập trung thả bổ sung một số loài thủy sản bản địa, loài có giá trị kinh tế nhằm khôi phục nguồn lợi, tăng mật độ quần thể của các loài đã bị khai thác cạn kiệt tại các lưu vực hồ Dầu Tiếng và sông Vàm Cỏ Đông. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các Sở, ngành và chính quyền địa phương triển khai phổ biến Luật Thủy sản và các quy định của Chính phủ về công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản; phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh tỉnh trong việc vận động, tuyên truyền, giáo dục nhân dân tham gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, đấu tranh ngăn chặn các hành vi khai thác thủy sản bằng chất nổ, xung điện,chất độc và các ngư cụ bị cấm sử dụng theo quy định.
Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với lực lượng Thanh tra bảo vệ nguồn lợi thủy sản; chính quyền địa phương các cấp tiến hành kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi sử dụng xung điện, chất nổ, chất độc và các ngư cụ bị cấm sử dụng trong khai thác thủy sản.
Sở Thông tin và Truyền thông hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí, Đài phát thanh, Đài truyền hình tỉnh và địa phương có kế hoạch định kỳ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Thủy sản, các văn bản hướng dẫn thực hiện nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của toàn dân trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Sở Công Thương chỉ đạo các cơ quan chức năng thuộc Sở, thường xuyên tiến hành kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi buôn bán, tàng trữ, vận chuyển chất nổ công nghiệp trái phép.
Sở Tài chính bố trí kinh phí hàng năm cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ngành liên quan theo phân cấp ngân sách để thực hiện công tác tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cộng đồng dân cư về bảo vệ nguồn lợi thủy sản; đồng thời thực hiện hoạt động kiểm tra, kiểm soát việc buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc và các ngư cụ cấm sử dụng trong khai thác thủy sản.
UBND các huyện, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị này. Có kế hoạch và phân công cụ thể cho các ban, ngành và các lực lượng có chức năng kiểm tra, kiểm soát ở địa phương để làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nhân dân thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc và ngư cụ cấm vào khai thác thủy sản; xây dựng và hình thành các mô hình quản lý nguồn lợi thủy sản dựa vào cộng đồng do địa phương quản lý. Bố trí ngân sách địa phương để thực hiện các hoạt động kiểm tra, kiểm soát việc buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc và ngư cụ cấm sử dụng trong khai thác thủy sản; tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cộng đồng dân cư thuộc nhiệm vụ chi của địa phương.