Toàn cảnh hội nghị.
Phiên họp đã xem xét và thống nhất phê duyệt Đề án thành lập Trung tâm Hành chính công tỉnh Tây Ninh (sau đây gọi tắt là Trung tâm). Theo đó, Trung tâm là tổ chức hành chính trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh, Trung tâm được thành lập trên cơ sở giải thể Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của các sở ban ngành. Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh có chức năng làm đầu mối để thực hiện việc hướng dẫn, tiếp nhận, giám sát, đôn đốc việc giải quyết các thủ tục hành chính. Trung tâm không có tài khoản riêng, chi phí hoạt động của Trung tâm do Văn phòng UBND tỉnh đảm bảo.
Về cơ cấu tổ chức, Trung tâm có Giám đốc, Phó Giám đốc, Bộ phận tiếp nhận hành chính và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính; bộ phận kỹ thuật, hướng dẫn phục vụ. Tổng số biên chế của Trung tâm giai đoạn 1 là 18 biên chế (trong đó sử dụng 2 biên chế hành chính dự phòng để bố trí chuyên trách, 16 biên chế còn lại thực hiện điều chuyển, biệt phái từ các cơ quan có liên quan, như: Văn phòng UBND tỉnh, Sở Nội vụ, Sở Tư pháp và Sở ban ngành có thủ tục hành chính được tiếp nhận tại Trung tâm). Về cơ sở vật chất, trên tinh thần tiết kiệm không xây dựng trụ sở mới, trụ sở của Trung tâm dự kiến đặt tại Công ty Xây lắp Tây Ninh, đường Phạm Tung, Tp Tây Ninh. Dự kiến Trung tâm sẽ hoạt động từ 01/12/2017.
Bên cạnh đó, phiên họp UBND tỉnh thường kỳ tháng 7/2017 cũng đã bước đầu thông qua Dự án khoanh định khu vực cấm, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Trước đó, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã phối hợp với đơn vị tư vấn thực hiện đã khoanh định được 3.816 khu vực cấm và 728 điểm cấm, 31 khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, các khu vực cấm hoạt động khoảng sản, gồm: 86 khu vực thuộc đối tượng bảo tồn các di tích lịch sử - văn hóa; 23 khu vực và 10 điểm cấm thuộc đối tượng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; 16 khu vực thuộc đối tượng hồ thủy lợi; 113 khu vực thuộc đối tượng quốc phòng; 42 khu vực thuộc đối tượng an ninh; 638 khu vực thuộc đối tượng tôn giáo, tín ngưỡng; 84 khu vực và 718 điểm cấm thuộc đối tượng thông tin và truyền thông; 2.758 khu vực thuộc đối tượng giao thông; 20 khu vực thuộc đối tượng đất dành cho công nghiệp và 36 khu vực thuộc đối tượng năng lượng.
Các khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản gồm: 31 khu vực thuộc đối tượng các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đang được Nhà nước xem xét công nhận.
Tổng diện tích cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Tây Ninh cho 3.816 khu vực và 728 điểm cấm là 140.569,96 ha. Trong đó, đối tượng đất di tích lịch sử, văn hóa: 2.153,74ha; đất rừng đặc dụng và phòng hộ: 61.811 ha; hồ thủy lợi: 13.168,61ha; đất Quốc phòng: 960,22 ha; đất An ninh: 391,07ha; đất tôn giáo, tín ngưỡng: 772,97 ha; đất thông tin và truyền thông: 7,18 ha; đất giao thông: 37.121,6 ha; đất dành cho công nghiệp: 23.709,33 ha và đất cho đối tượng năng lượng: 474,24 ha.
Diện tích tạm thời cấm hoạt động khoáng sản cho đối tượng đất di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh đang được Nhà nước xem xét công nhận là 14,28 ha.
Kết luận về nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: UBND tỉnh cơ bản thống nhất thông qua tờ trình của Sở TN&MT, yêu cầu Sở TN&MT rà soát lại các giấp phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực xem chính xác hết chưa; đối với các doanh nghiệp khai thác khoáng sản có thể ảnh hưởng đến đập phụ của hồ Dầu Tiếng cần nghiên cứu, xem xét lại trên cơ sở tham khảo ý kiến của các bộ ngành liên quan. Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh cấp phép khai thác khoáng sản cần đảm bảo khoảng cách an toàn theo quy định của pháp luật và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Mặt khác, Sở TN&MT tham mưu UBND tỉnh có văn bản lấy ý kiến các bộ ngành liên quan. Sau khi có ý kiến của các bộ ngành, Sở TN&MT phối hợp với đơn vị tư vấn chỉnh sửa, bổ sung, tham mưu UBND tỉnh hoàn tất hồ sơ gửi Bộ TN&MT rà soát, thẩm định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
Ngoài ra, phiên họp còn xem xét và thông qua một số nội dung, như: Bãi bỏ các quyết định quy phạm pháp luật và quyết định có chứa quy phạm pháp luật nhưng không được ban hành bằng hình thức quy phạm pháp luật do UBND tỉnh ban hành liên quan đến lĩnh vực tư pháp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, do không còn phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành. Góp ý xây dựng Nghị quyết về chính sách hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ; phát triển thị trường công nghệ, tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2017-2020. Thông qua kế hoạch chuyển địa phương vào trạng thái quốc phòng.
Ý kiến bạn đọc